Trường Cao đẳng ĐIện lực miền Bắc với công cuộc chuyển đổi số

0
839

Chuyển đổi số là một trong những nhu cầu cấp thiết đối với hầu hết các tổ chức hiện nay trong đó có các trường. Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và dạy nghề nói riêng diễn ra ngày càng nhanh và mạnh, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid-19 đòi hỏi các trường phải chuyển đổi số quyết liệt hơn để đáp ứng nhu cầu của đào tạo trong bối cảnh giảng viên và sinh viên không thể tiếp xúc trực tiếp. Là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Điện lực, trường Cao đẳng điện lực miền Bắc đã từng bước tiếp cận và thích ứng với xu hướng đào tạo mới này.

Chiến lược chuyển đổi số của nhà trường nhấn mạnh vào việc xác định các mục tiêu tổng thể và nêu rõ định hướng mong muốn của quá trình chuyển đổi số. Chiến lược chuyển đổi số được xem là bước đầu tiên trên hành trình và là cơ sở để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số khi các điều kiện bên ngoài và bên trong thay đổi.

Những nội dung chính trong chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc  

Chuyển đổi số trong quản lý

Nhà trường đã thiết kế mô hình quản lý theo hướng từng bước đáp ứng chuyển đổi số, theo đó có bộ phận chuyên trách quản lý phần cứng của hệ thống công nghệ thông tin, có bộ phận chuyên trách theo dõi hệ thống quản lý đào tạo chạy trên nền tảng số, có các nhân sự chuyên trách nhập dữ liệu và quản lý dữ liệu phân tán tại các phòng, khoa, trung tâm.

Về các quy định quản lý trong giai đoạn chuyển đổi số: nhà trường đã xây dựng quy chế quản lý đào tạo dựa trên nền tảng số thống nhất trong toàn trường, đây là khung pháp lý quan trọng để số hóa toàn bộ công tác quản lý đào tạo đại học. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng chính sách khuyến khích giảng viên xây dựng các bài giảng, học liệu số một cách có hệ thống theo chuẩn để chia sẻ trực tuyến; xây dựng quy định quản lý thi trực tuyến, quy định quản lý hoạt động truyền thông qua trang thông tin điện tử của nhà trường.

Chuyển đổi số trong đào tạo

Bắt đầu từ năm 2020, việc chuyển đổi số trong đào tạo tại được thúc đẩy mạnh mẽ lên một tầm cao mới để ứng phó với sự tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể như sau:

Công tác tuyển sinh được chuyển đổi số ở mức độ cao bằng cách giúp thí sinh có thể nộp hồ sơ xét  tuyển, dự các buổi tư vấn ngành nghề, nhận kết quả xét tuyển, nhận giấy báo nhập học, làm thủ tục nhập học… hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, vì vậy đã tối ưu hóa quy trình tuyển sinh.

Tuyển sinh trực tuyến đợt 3 năm 2021

Việc đào tạo các học phần lý thuyết và thực hành tư duy trong thời kỳ giãn cách do dịch được nhà trường thực hiện hoàn toàn trực tuyến bằng phần mềm Zoom, Công tác đánh giá người học trực tuyến được thực hiện bằng nhiều phần mềm như Google form hay MS Team. Bên cạnh đó, việc đánh giá người học tại trường còn được thực hiện thông qua phần mềm thi trực tuyến, tổ chức bảo vệ khóa luận, bài tập lớn bằng hình thức trực tuyến.

Giờ học trực tuyến môn học tiếng Anh

Các học liệu đào tạo và giáo trình, tài liệu học tập được số hóa hoàn toàn để sinh viên có thể đọc trong thư viện điện tử hoặc truy cập vào thư viện số để tìm kiếm và nghiên cứu vào bất cứ thời gian nào, bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet.

Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số

Nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số tại trường. Hiện nay, trường được trang bị đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao phục vụ cho việc kết nối mạng của hơn 30 máy tính để phục vụ cho công tác nghiệp vụ trên không gian số, đào tạo trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà trường còn có một phòng họp được thiết kế theo mô hình thông minh, đầu tư phòng quay video chuyên nghiệp để dựng các bài giảng trực tuyến.

Giảng viên Nguyễn Đức Lượng (khoa KHCB) hướng dẫn mô hình Smarthome

Bên cạnh thiết bị cho chuyển đổi số như  trên, nhà trường cũng đang xây dựng thư viện số trong đó có tài liệu, sách, giáo trình để giảng viên và sinh viên có thể khai thác tư liệu cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Cổng thông tin số của trường được thiết lập chủ yếu qua Website với những thông tin, bài viết, nghiên cứu, video sống động, có thể truy cập trực tuyến qua mạng Internet. Bên cạnh đó, cổng giao tiếp qua Fanpage của trường cũng được đầu tư khai thác cho công tác truyền thông.

Xây dựng môi trường văn hóa nhà trường đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Văn hóa làm việc từ xa là một trong những nội dung được hết sức chú trọng. Để giám sát chất lượng giảng dạy trực tuyến, bộ phận thanh tra đều được tham dự 100% các giờ học. Kết quả làm việc trực tuyến của chuyên viên khối văn phòng được đo lường bằng  các sản phẩm tạo ra như: kế hoạch, quy chế, báo  cáo… và đều được phê duyệt trực tuyến để thực hiện.

Văn hóa giáo tiếp, ứng xử trên không gian mạng đã được cụ thể hóa vào quy chế văn hóa nhà trường; mặt khác trường còn thành lập tổ tư vấn truyền thông để thường xuyên theo dõi tư tưởng của sinh viên trên không gian mạng nhằm tư vấn, cung cấp thông tin… kịp thời cho sinh viên, giúp sinh viên giải quyết được các vướng mắc trong quá trình học tập tại trường.

Đào tạo nhân sự cho chuyển đổi s

Khóa học Bồi dưỡng Nghiệp vụ giáo viên tháng 11 năm 2020

Đội ngũ giảng viên của trường với 67 người trong đó 36 người có trình độ thạc sĩ (chiếm 53,7%) là lực lượng tiên phong và đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vì vậy nhà trường đã tổ chức nhiều đợt tập huấn trong giai đoạn 2020-2021 cho toàn bộ giảng viên về phương pháp giảng dạy từ xa, làm học liệu theo chuẩn SCORM để chia sẻ trực tuyến, sử dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến, tập huấn  sử dụng các phần mềm chuyên dụng.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên đều được tổ chức tập huấn sử dụng các phần mềm cho chuyên môn như phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm kế toán, phần mềm tuyển sinh…; tập huấn kỹ năng giao tiếp với sinh viên trên không gian mạng cho đội ngũ cố vấn học tập và phòng công tác sinh viên.

Chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo hiện nay đang được nhà trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc khuyến khích và ưu tiên đẩy mạnh. Mặc dù trong quá trình thực hiện vẫn còn một số thách thức cần vượt qua, nhưng nếu được hiện thực hoá, chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều lợi ích cho học sinh sinh viên, giảng viên, nhà trường và cho xã hội.

Tổ Truyền thông NEPC.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây