Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng Mác-xít sáng tạo lớn của Việt Nam trong thế kỷ XX. Những cống hiến của Người trên phương diện tư tưởng lý luận, đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng có tầm vóc lịch sử, đem lại sự phát triển bước ngoặt đối với xã hội Việt Nam, làm thay đổi số phận cả một dân tộc. Động cơ cao thượng quy định lẽ sống cao thượng của Người, mà ngay từ đầu đã hướng vào nhân dân và dân tộc chứ không phải cho mình, vì mình.
Hoài bão, khát vọng cho một tương lai, một triển vọng phát triển tốt đẹp của dân mình, nước mình ở Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thật mãnh liệt, phi thường. Người kết nối hiện thực gần với triển vọng xa, từ cơm ăn, áo mặc hằng ngày của dân đến một trù tính tương lai rạng rỡ, dân tộc thông thái, xã hội văn hóa cao, đất nước phú cường, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Rõ ràng, Người có chính kiến, chủ kiến của riêng mình. Trong hành trình tư tưởng Hồ Chí Minh, bước ngoặt nhận thức và lựa chọn của Người để tìm đường, nhận đường và trọn đời tranh đấu theo con đường đã chọn để thực hiện bằng được lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã khởi đầu cho những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Người để lại cho chúng ta một mẫu mực của sự kết hợp giữa lý luận hóa thực tiễn và thực tiễn hóa lý luận, bắt đầu từ thực tiễn để hướng đích tới thực tiễn, bằng những thực hành kiên trì, bền bỉ. Người cũng để lại cho chúng ta những chỉ dẫn bậc thầy về cách dùng lý luận để tổng kết thực tiễn, từ chỗ đứng của lý luận khoa học chứ không phải chủ nghĩa kinh nghiệm mà tổng kết thực tiễn.
Đó là ba mệnh đề tiêu biểu dưới đây:
“Thực hành sinh ra hiểu biết
Hiểu biết tiến lên lý luận
Lý luận lãnh đạo thực hành”.
(Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, trang 247).
Hướng đích tới thực tiễn nên lý luận không xem là cứu cánh, nó chỉ là phương tiện, là công cụ – phương pháp để thực hiện mục đích là Giải phóng hoàn cảnh sống cho nhân dân mình, làm cho dân có cuộc sống xứng đáng với tư cách, nhân phẩm con người, với vị thế và giá trị của người chủ chứ không phải là nô lệ. Cái mục đích ấy kết thành hệ giá trị lớn nhất của phát triển mà Hồ Chí Minh suốt đời theo đuổi: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Hồ Chí Minh theo đuổi suốt đời triết lý thân dân, vì dân, đạo làm người và ở đời là thân dân và chính tâm để đạt tới dân chủ, dân trở thành người chủ và người cách mạng, làm cách mạng để làm đầy tớ, công bộc của dân.
Là nhà thực hành đạo đức – thực hành lớn nhất trong mọi thực hành của Hồ Chí Minh, Người là hiện thân sinh động và cảm động về tấm gương đạo đức trong sáng, thanh cao. Một tấm gương tốt, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn. Nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, đó là sự trung thực và tận tâm, vì đời, vì người chứ không phải vì mình. Đó là thực hành triết lý vô ngã vị tha trong kinh điển Phật giáo. Người cách mạng mang cái tâm của Phật, lòng nhân ái cao cả của Đức Chúa, lại tỏa sáng trí tuệ của Mác, mang tâm hồn dân tộc với hồn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, lại có đầu óc thiết thực với “Ba chủ nghĩa” (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của Tôn Trung Sơn – chung đúc những điều tốt đẹp ấy là Hồ Chí Minh – con người Việt Nam đẹp nhất.
Như vậy, Hồ Chí Minh là hiện thân của sự thống nhất giữa động cơ chính trị cao cả với phương pháp khoa học sáng suốt và đạo đức cách mạng trong sáng để toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc, dân tộc, nhân dân và nhân loại. Người đã hóa thân để hiến dâng và hiến dâng bằng sự hóa thân, quên mình vì tất cả. Chủ nghĩa xã hội trong tư duy và hành động của Hồ Chí Minh là vì con người và xã hội loài người. Bản ngã mạnh mẽ, mãnh liệt phi thường để rồi vô ngã. Không một chút vị kỷ để vị tha. Cần kiệm liêm chính đầy đủ vẹn toàn để chí công vô tư đến suốt đời.
Cả cuộc đời làm chính trị vì dân, ở ngoài vòng danh lợi, sáng lập ra Đảng, ra mặt trận và quân đội, khai sinh ra chính thể dân chủ cộng hòa, viết Tuyên ngôn Độc lập và thảo Di chúc, để lại cho đời những áng thiên cổ hùng văn, mãi mãi không phai mờ trong lịch sử, nêu cao chân lý lớn nhất của thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó là Hồ Chí Minh. Giải phóng để phát triển vì hạnh phúc của dân, vì tự do và làm chủ của dân. Đó là chỗ kết tinh, tỏa sáng của tư tưởng và đạo đức, của nhân cách và văn hóa Hồ Chí Minh. Đó cũng là hợp điểm, là chỗ quy tụ Học thuyết, Chủ thuyết, Triết lý Hồ Chí Minh.
Đó cũng là tất cả những gì mẫn tiệp, thông tuệ, sáng suốt và cao quý làm nên MINH TRIẾT HỒ CHÍ MINH, một sự thăng hoa của MINH TRIẾT VIỆT NAM trong thời đại Hồ Chí Minh – đóng góp xứng đáng vào tinh hoa tư tưởng, văn hóa nhân loại, vào minh triết nhân loại.
Để nhận biết và đánh giá được chân giá trị của Học thuyết, Chủ thuyết và Triết lý Hồ Chí Minh cần phải kết hợp làm một giữa tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh với tiếp cận thực tiễn Hồ Chí Minh. Để hiểu tư tưởng của Người trên các chiều cạnh học thuyết, chủ thuyết và triết lý – rộng ra là văn hóa, là minh triết của Người cần phải chú trọng khai thác các tác phẩm mà Người để lại trong di sản lý luận.
Tiếp cận Học thuyết – Chủ thuyết – Triết lý Hồ Chí Minh trên trình độ tư tưởng, trên bình diện văn phẩm, trước tác là điều kiện cần chứ chưa đủ. Hồ Chí Minh là con người hành động, con người của những thực hành lớn và những ứng xử vô cùng tinh tế, bởi vậy chỉ có thể hiểu đúng – gần đúng, thấy đủ – gần đủ về tầm vóc tư tưởng của Người nếu mở rộng từ tác phẩm đến cuộc đời Hồ Chí Minh, xem xét hoạt động thực tiễn Hồ Chí Minh trong mối liên hệ không tách rời với thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng, lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh, hàm xúc cổ điển, ý tại ngôn ngoại, tư tưởng ở giữa hai dòng chữ, vượt ra khỏi câu chữ, ở trong hoạt động sống của Người.
Chỉ có tiếp cận chỉnh thể – hệ thống, tiếp cận đa chiều, qua vô số các lớp quan hệ mới thấy rõ cái thần thái, đặc sắc Hồ Chí Minh./.