QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

0
1995

QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

CỦA BAN CHỈ ĐẠO VÀ TỔ GIÚP VIỆC THỰC HIỆN

QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC

TRONG TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC MIỀN BẮC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3522 /QĐ-EVNNPC ngày 21 tháng 11 năm 2018

 của Chủ tịch – Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc

 trong Tổng Công ty Điện lực miền Bắc)

Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ban hành Quy định phân công nhiệm vụ, chế độ làm việc của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc như sau:

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định về nguyên tắc hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (gọi tắt là Ban chỉ đạo), nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác được phân công, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trong toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng :

Quy định này áp dụng đối với các thành viên trong Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các đơn vị trực thuộc trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc và các Công ty TNHH MTV do EVNNNPC nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ và các chữ viết tắt 

Trong Quy định này những từ ngữ viết tắt sau đây được hiểu như sau:

  1. EVN: Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
  2. EVNNPC: Tổng công ty Điện lực miền Bắc;
  3. Ban Chỉ đạo: Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ trong EVNNPC
  4. Đơn vị: Bao gồm các đơn vị thành viên, các Công ty TNHH MTV.
  5. QCDC: Quy chế dân chủ
  6. CBCNV : Cán bộ công nhân viên

Điều 4: Nguyên tắc hoạt động :

  1. Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và quyết định các vấn đề theo đa số; Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện;
  2. Trong quá trình chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Chỉ đạo tôn trọng và không làm cản trở hoạt động của tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Đảng, pháp luật, EVN và EVNNPC;
  3. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm tập thể trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

 

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

 Điều 5: Chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo:

  1. Chức năng:

Ban chỉ đạo có chức năng tham mưu giúp trưởng Ban chỉ đạo – Tổng Giám đốc EVNNPC, Văn phòng Công đoàn Tổng Công ty trong việc chỉ đạo các đơn vị thực hiện QCDC ở cơ sở theo đúng quy định của Nhà nước, EVN và EVNNPC.

  1. Nhiệm vụ:

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:

2.1. Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban chỉ đạo; Quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, EVN và EVNNPC về việc thực hiện QCDC ở cơ sở đối với các đơn vị, tổ chức trong toàn EVNNPC; Đề xuất những vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện;

2.2. Tham mưu cho lãnh đạo các vấn đề liên quan đến Chương trình công tác thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc theo chức năng, nhiệm vụ của các Ban tại cơ quan EVNNPC;

2.3.Chỉ đạo, hướng dẫn việc sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện QCDC theo quy định của Đảng, Nhà nước, EVN và EVNNPC về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

2.4. Tổng hợp các ý kiến, kiến nghị từ các đơn vị, CBCNV và người lao động trong Tổng Công ty về quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc báo cáo Ban chỉ đạo, đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Tổng Công ty xem xét, xử lý giải quyết;

2.5. Tổ chức bồi huấn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo, đội ngũ cán bộ làm công tác thực hiện QCDC của các đơn vị trong EVNNPC;

2.6. Tham gia các cuộc họp của Ban chỉ đạo. Tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các Ban/đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Được sử dụng bộ máy giúp việc của Ban mình để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Điều 6: Quyền hạn của Ban chỉ đạo:

  1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, chương trình hành động triển khai việc thực hiện QCDC ở cơ sở đối với các đơn vị trong EVNNPC;
  2. Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện QCDC ở một số đơn vị nhằm đánh giá chấm điểm kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở trong EVNNPC;
  3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị triển khai thực hiện tốt QCDC trong các hoạt động của các đơn vị;
  4. Yêu cầu Ban chỉ đạo các đơn vị báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở các đơn vị mình để nắm bắt thông tin kịp thời và uốn nắn những thiếu sót, nhằm đảm bảo việc triển khai QCDC ở cơ sở có hiệu quả cao và tuân thủ các quy định của pháp luật;
  5. Tham dự các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội nghị chuyên đề về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại các đơn vị;
  6. Tham mưu, đề xuất và kiến nghị Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty, văn phòng công đoàn EVNNPC, Công đoàn Điện lực Việt Nam xem xét xử lý những vụ việc vi phạm Quy chế dân chủ;
  7. Khi triển khai các công việc phức tạp và cần đến nhiều đơn vị, Ban chỉ đạo được phép huy động một số lãnh đạo, chuyên viên ở các Ban chuyên môn, chức năng của Tổng Công ty và Văn phòng Công đoàn tham gia thực hiện nhiệm vụ được giao.
  8. Phối hợp với Công Đoàn Tổng Công ty thực hiện tổ chức Hội nghị người lao động định kỳ hằng năm theo quy định.
  9. Triển khai thực hiện công tác đối thoại với người lao động tại nơi làm việc theo đúng qui định.
  10. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Trưởng Ban chỉ đạo kết quả thực hiện trong phạm vi công việc được giao phụ trách theo yêu cầu của EVN và cấp trên.

 

Chương III

NHIỆM VỤ CỦA CÁC THÀNH VIÊN VÀ TỔ GIÚP VIỆC

 Điều 7: Nhiệm vụ của các thành viên trong Ban chỉ đạo:

  1. Nhiệm vụ của Trưởng Ban chỉ đạo – Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc EVNNPC:

– Quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của Ban chỉ đạo;

– Phê duyệt chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC trong EVNNPC;

– Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc để thực hiện tốt những nội dung liên quan đến chương trình, kế hoạch thực hiện QCDC trong EVNNPC;

– Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị và quy định do Nhà nước, EVN, EVNNPC ban hành liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở;

– Yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các Ban, đơn vị có liên quan báo cáo tại các cuộc họp thường kỳ hoặc đột xuất về nội dung công việc liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc trong EVNNPC;

– Ký duyệt các nội dung, kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở trong EVNNPC.

  1. Nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên trong Ban chỉ đạo:
  2. Ông Nguyễn Văn Tiệp – Phó trưởng Ban chỉ đạo – Chủ tịch công đoàn Tổng Công ty:

– Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Công đoàn các đơn vị trong việc phối hợp triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

– Tổng hợp ý kiến phản ánh từ cán bộ công nhân viên, người lao động các đơn vị trong EVNNPC khi vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở và những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;

– Phối hợp với Người sử dụng lao động: tổ chức đối thoại với người lao động tại nơi làm việc; Tổ chức Hội nghị người lao động định kỳ hằng năm.

– Cử cán bộ Văn phòng Công đoàn tham gia các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc tại các đơn vị trong Tổng Công ty.

– Điều hành công tác của Ban chỉ đạo khi Trưởng Ban Chỉ đạo vắng mặt.

  1. Ông Ngô Công Phương – Trưởng Ban Thanh tra bảo vệ – thường trực Ban chỉ đạo, giúp Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

– Xây dựng Chương trình, kế hoạch hoạt động thực hiện QCDC ở cơ sở trong Tổng Công ty Điện lực miền Bắc;

– Chỉ đạo, điều hành công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch hoạt động thực hiện Quy chế dân chủ trong EVNNPC;

– Tổ chức bồi huấn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo, đội ngũ cán bộ làm công tác thực hiện Quy chế dân chủ các đơn vị trong Tổng Công ty;

– Chủ trì tổng hợp công tác báo cáo sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Quy chế dân chủ của Tổng Công ty theo quy định của Đảng, Nhà nước và EVN về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở;

– Tổ chức thực hiện công tác đánh giá chấm điểm kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong toàn EVNNPC.

– Chủ trì, phối hợp công tác xây dựng, sửa đổi bổ sung Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, các quy chế, quy định nội bộ trong Tổng Công ty liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

– Phối hợp với Văn phòng Công đoàn, Người sử dụng lao động: tổ chức đối thoại với người lao động tại nơi làm việc; Tổ chức Hội nghị người lao động định kỳ hằng năm.

– Đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

– Đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của CBCNV, người lao động các đơn vị trong Tổng Công ty, các tâp thể, cá nhân vi phạm QCDC ở cơ sở hoặc trong Công tác phòng chống lãng phí, tham nhũng…

– Trực tiếp chỉ đạo Tổ giúp việc và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện QCDC từ các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc.

  1. Ông Lê Kiên – Trưởng Ban Tổ chức và nhân sự – thành viên Ban chỉ đạo, giúp Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

– Chỉ đạo xây dựng, hướng dẫn, tổng hợp, thu thập ý kiến và phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy định liên quan đến chế độ, chính sách, quyền, lợi ích của người lao động trong các lĩnh vực về công tác cán bộ và lao động của Tổng Công ty.

– Phối hợp với Người sử dụng lao động, Văn phòng Công đoàn: tổ chức đối thoại với người lao động tại nơi làm việc; Tổ chức Hội nghị người lao động định kỳ hằng năm.

– Cử cán bộ của Ban tham gia các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc tại các đơn vị trong Tổng Công ty.

  1. Ông Nguyễn Tiến Dự – Trưởng Ban Tài chính kế toán – thành viên Ban chỉ đạo, giúp Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

– Kiểm tra, giám sát việc công khai tài chính hàng năm của các đơn vị bao gồm các nội dung: tình hình và hiệu quả sử dụng vốn; các khoản thu và khoản chi; các khoản lỗ lãi, lập quỹ và nộp thuế; các khoản thu nhập của người lao động;

  1. Ông Nguyễn Quang Thành -Trưởng Ban Pháp chế – thành viên Ban chỉ đạo, giúp Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

– Kiểm tra việc chấp hành các chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy chế của Tổng Công ty, đề xuất kiến nghị các công tác liên quan đến Quy chế quản lý nội bộ của Tổng Công ty;

Điều 8: Nhiệm vụ của Tổ giúp việc:

  1. Thành viên Tổ giúp việc:

– Ông Nguyễn Duy Mạnh Hùng  – Phó trưởng Ban TC&NS

– Bà Đỗ Quỳnh Hoa                   – Chuyên viên Ban TTBV

  1. Nhiệm vụ của Tổ giúp việc:

– Giúp Ban chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ công việc trong nội dung Chương trình, kế hoạch thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc trong EVNNPC; Tổng hợp, báo cáo kết quả theo nhiệm vụ được phân công của các thành viên trong Ban chỉ đạo;

– Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban chỉ đạo, ghi biên bản họp, dự thảo thông báo kết luận cuộc họp, văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo trình Trưởng Ban chỉ đạo ký, phát hành;

– Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc;

– Báo cáo đề xuất với Ban chỉ đạo để chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện QCDC ở các đơn vị trong EVNNPC;

– Tổng hợp, dự thảo báo cáo sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Quy chế dân chủ hàng năm theo quy định của Đảng, Nhà nước và EVN về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở;

– Tham gia kiểm tra, đánh giá, chấm điểm, xếp loại khen thưởng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại đơn vị; thẩm định, đề xuất các hình thức khen thưởng trình Hội đồng thi đua khen thưởng của EVNNPC, EVN xem xét, quyết định;

– Giúp Ban chỉ đạo tham gia với Người sử dụng lao động, Văn phòng Công đoàn: tổ chức đối thoại với người lao động tại nơi làm việc; Tổ chức Hội nghị người lao động định kỳ hằng năm.

– Nghiên cứu đề xuất kinh phí hoạt động liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở, báo cáo Ban chỉ đạo.

– Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban chỉ đạo, Phó trưởng Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo về nhiệm vụ, tiến độ công việc được giao.

– Quản lý, lưu trữ các văn bản đi, đến của Ban chỉ đạo, báo cáo thống kê, tổng hợp công tác Quy chế dân chủ tại cơ quan Tổng công ty và trong toàn Tổng Công ty.

– Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện công việc được giao;

 

Chương IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 9: Chế độ họp và báo cáo:

  1. Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ Thủ trưởng do Trưởng Ban chỉ đạo trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ và đôn đốc các thành viên thực hiện.
  2. Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, định kỳ 6 tháng Ban chỉ đạo tổ chức họp 1 lần, khi cần thiết có thể họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo (hoặc theo đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo khi được Trưởng Ban Chỉ đạo chấp thuận) nhằm đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thảo luận và góp ý kiến về chương trình công tác trong thời gian tiếp theo để lãnh đạo tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong EVNNPC;
  3. Các thành viên trong Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo về nhiệm vụ được phân công tại Quy định này. Trước ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 hàng năm, các đơn vị/thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công, phụ trách định kỳ theo quy định, đề xuất những biện pháp về chương trình, công tác QCDC ở cơ sở trong kỳ tiếp theo. Báo cáo gửi về Thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp báo cáo tại cuộc họp 6 tháng và tổng kết năm về việc thực hiện QCDC trong EVNNPC. (Báo cáo gửi về Ban Thanh tra bảo vệ – EVNNPC).
  4. Tổ giúp việc do Trưởng ban chỉ đạo, Phó Trưởng ban chỉ đạo và thường trực Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo.

Điều 10: Mối quan hệ công tác:

  1. Ban chỉ đạo thực hiện việc chỉ đạo, hướng dẫn các Ban/Văn phòng EVNNPC và các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình, kế hoạch công tác thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc.
  2. Ban chỉ đạo phối hợp với các Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của các đơn vị trong Tổng Công ty, các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện kế hoạch, chương trình công tác của Ban chỉ đạo cũng như trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
  3. Các Ban/ Văn phòng tại cơ quan Tổng công ty, các đơn vị thành viên có trách nhiệm bố trí cán bộ tham gia thực hiện công tác Quy chế dân chủ khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo.
  4. Ban chỉ đạo sẽ tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung được quy định trong Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong EVN tại các đơn vị thành viên.

Điều 11: Kinh phí và điều kiện hoạt động:

  1. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ trong EVNNPC được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí quản lý của Tổng Công ty theo quy định hiện hành của EVN, EVNNPC.
  2. Ban chỉ đạo được sử dụng con dấu của Tổng Công ty để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12:  Tổ chức thực hiện:

  1. Các thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, các đơn vị trong EVNNPC tổ chức triển khai các nội dung liên quan đến Chương trình, kế hoạch thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong EVNNPC có trách nhiệm thực hiện Quy định này.
  2. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành. Các thành viên và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh, Tổ giúp việc, thành viên Ban chỉ đạo, các đơn vị báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo xem xét, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các ý kiến gửi về thường trực Ban chỉ đạo (thông qua Ban Thanh tra bảo vệ)./.
  3. Các đơn vị căn cứ các Quy định của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong EVN và Quy định này xây dựng quy định phù hợp với đơn vị mình./.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây